Kinh nghiệm xin Visa các nước phát triển dành cho khách tự đi du lịch

Bạn là người rất đam mê du lịch nhưng bạn làm công việc tự do (freelancer), không có Hợp động lao động và Bảo hiểm xã hội, vì thế bạn lo sợ rằng sẽ khó xin được visa các nước phát triển?

Đúng là các nước phát triển như Úc, Canada, New Zealand, Mỹ, Nhật Bản… rất coi trọng công việc của bạn và xem nó như một trong những điều kiện quan trọng nhất để cấp visa du lịch cho bạn, bởi họ cho rằng khi bạn có công ăn việc làm ổn định ở Việt Nam thì xác suất bạn trốn lại nước họ sau chuyến đi là rất thấp.

Nhưng điều này không có nghĩa người lao động tự do không có cơ hội đi du lịch đến các nước phát triển. Kinh nghiệm của mình đã chứng minh điều này.

Mình làm cộng tác viên cho VTV4 từ năm 2013 với lương tháng khoảng 5-6 triệu chuyển vào tài khoản ngân hàng. Mình không có Hợp động lao động, đơn xin nghỉ phép cũng như Bảo hiểm xã hội, nhưng mình đã xin được visa của tất cả các nước phát triển, bao gồm Mỹ, Canada (visa 10 năm), Úc (visa 1 năm), New Zealand, UK, Schengen, Nhật Bản (3 lần xin được visa single và 1 lần xin được visa multiple 1 năm) và Hàn Quốc. Và chưa một lần nào bị các nước phát triển này từ chối cấp visa.

Thật ra việc xin visa các nước này không quá khó đối với freelancer. Chỉ cần các bạn trung thực tuyệt đối và chuẩn bị thật kỹ tất cả các giấy tờ mà họ yêu cầu, chú trọng vào những điểm mạnh để bù vào việc bạn không có công việc ổn định. Sau đây mình sẽ chia sẻ với các bạn các giấy tờ quan trọng nhất cần chuẩn bị để nộp.

LỊCH SỬ DU LỊCH

Đối với người lao động tự do thì lịch sử du lịch là điều kiện quan trọng nhất để xin visa những nước phát triển. Nó phần nào chứng minh cho nhân viên xét hồ sơ một điều rằng bạn là người thích đi du lịch và mục đích chuyến đi của bạn là để tham quan nước họ rồi quay về Việt Nam, chứ không có ý định trốn lại. Khi hộ chiếu còn trắng thì xác suất được cấp visa du lịch tự túc các nước phát triển rất thấp.

Để tăng khả năng đậu visa các nước phát triển trước hết bạn nên đi du lịch tới các nước miễn visa cho người Việt, ví dụ như các nước ở Đông Nam Á. Sau đó bạn nên thêm 1 số nước ở gần chúng ta mà xin visa không quá khó khăn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan …. Các nước này bạn có thể xin visa du lịch tự túc. Hoặc các bạn có thể đi theo tour. Trong trường hợp này công ty du lịch sẽ lo visa cho bạn, khi bạn chưa đủ tự tin để xin visa.

Tóm lại, bạn là người lao động tự do (freelancer), nhưng bạn có lịch sử du lịch tốt thì việc xin visa các nước phát triển sẽ không còn khó khăn nữa.

CHỨNG MINH MỤC ĐI CHUYẾN ĐI

Mục quan trọng thứ 2 mà bạn phải chuẩn bị thật kỹ, đó là các Giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi của bạn. Bạn phải chứng minh cho người xét hồ sơ rằng bạn sang nước họ là để du lịch, chứ không vì bất kỳ mục đích nào khác.

Thông thường các bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

– Lịch trình chuyến đi chi tiết từng giờ, từng ngày, ăn gì, ngủ ở đâu, tham quan cái gì…

– Vé máy bay đến và rời khỏi nước họ: thường thường mọi người chỉ đặt giữ chỗ dạng trả sau, không cần thanh toán trước phòng trường hợp bị từ chối visa. Nhưng thực tế mỗi lần mình xin visa mình đều nộp vé thật, bởi thường thường mình canh vé siêu rẻ và mua trước có khi cả 1 năm trời. Cũng may là chưa bao giờ bị từ chối visa. Mình khuyên các bạn không nên mạo hiểm khi chưa tự tin 100% là bạn sẽ nhận được visa.

– Đặt phòng khách sạn: bạn có thể đặt trên Booking hay Agoda dạng thanh toán sau và có thể huỷ miễn phí.

– Bảo hiểm du lịch: khi xin visa các nước phát triển bắt buộc bạn phải mua bảo hiểm du lịch cho tất cả các ngày tương ứng với lịch trình chuyến đi. Có nhiều công ty bán bảo hiểm du lịch, bạn tự tìm hiểu trên mạng và lựa chọn công ty nào là do bạn.

– Bảng kinh phí dự trù cho chuyến đi (Planned cost of a trip): bạn làm một cái bảng trên Excel liệt kê tất cả các chi phí phát sinh trong chuyến đi của bạn. Bao gồm chi phí vé máy bay, khách sạn, ăn uống, chi phí di chuyển tàu xe, vé vào cửa các điểm du lịch… Cái này không bắt buộc, nhưng đối với người lao động tự do mình khuyên các bạn nên chuẩn bị nó.

Cái Bảng kinh phí dự trù chuyến đi này không có mẫu gì cả. Bạn muốn đi du lịch thì bạn phải biết tính toán và lên kế hoạch tài chính cho chuyến đi của mình.

– Ngoài những giấy tờ trên bạn có thể nộp thêm các giấy tờ khác. Ví dụ: Xác nhận đặt landtour, các tour đi trong ngày, vé tham quan các điểm du lịch nổi tiếng mua qua mạng…

CHỨNG MINH TÀI CHÍNH

Mục quan trọng thứ 3 – đó là chứng minh tài chính. Bạn phải chứng minh rằng bạn là lao động tự do, nhưng bạn có thu nhập ổn định thừa đủ để chi trả cho chuyến đi và đủ cho cuộc sống của bạn ở Việt Nam. Trong mục này thường thì cần chuẩn bị các giấy tờ:

– Sổ tiết kiệm: không có quy định bao nhiêu là đủ, nhưng số tiền gửi này phải nhiều hơn 1.5 – 2 lần số tiền cần thiết cho chuyến đi của bạn ghi trong Bảng kinh phí dự trù chuyến đi. Nói chung để xin visa các nước phát triển bạn cần có sổ tiết kiểm khoảng 150 – 200 triệu.

Cũng không nên “khoe” sổ tiết kiệm nhiều tỷ, bởi bạn phải chứng minh được nguồn gốc số tiền khủng đó. Nếu bạn có rất nhiều tiền mà không có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc của chúng thì sẽ bị từ chối cấp visa ngay ngay lập tức.

Còn một lý do nữa, nhân viên xét hồ sơ sẽ nghĩ bạn có rất nhiều tiền thì có thể bạn sẽ ở lại nước họ để sinh sống. Không có tiền thì họ sợ mình trốn lại để làm ăn. Có nhiều nhiều tiền quá người ta nghĩ mình sẽ trốn lại để hưởng thụ cuộc sống ở nước họ.

Mỗi nước có 1 yêu cầu khác nhau về thời gian mở sổ tiết kiệm và thời hạn của khoản tiết kiệm. Nhiều nước không coi trọng thời gian mở sổ tiết kiệm. Có nước lại đòi hỏi sổ tiết kiệm phải được mở tối thiểu 3 hoặc 6 tháng trước ngày nộp hồ sơ xin visa. Bạn nên đọc kỹ yêu cầu này trước khi xin visa.

– Sao kê tài khoản ngân hàng 3-6 tháng gần nhất (nên xin sao kê 6 tháng). Cái này chứng minh việc chi tiêu của bạn. Hoặc bạn làm thêm người ta trả lương cho bạn vào tài khoản thì bạn dùng bút màu khoanh tròn những khoản thu nhập này.

Trường hợp số dư tài khoản ngân hàng của bạn trên 150 triệu thì bạn có thể không cần có sổ tiết kiệm. Mình đã từng nhiều lần chỉ nộp Sao kê tài khoản ngân hàng với số dư trên 150 triệu mà không nộp sổ tiết kiệm.

Nếu bạn có dùng thẻ credit thì bạn nên xin xác nhận hạn mức tín dụng thẻ này. Nếu có giao dịch nhiều thì xin sao kê thẻ 3-6 tháng rồi nộp luôn.

– Các giấy tờ chứng minh tài sản có giá trị khác: cái này không bắt buộc, nhưng chúng sẽ làm tăng khả năng đậu visa của bạn. Bạn có thể nộp giấy tờ nhà đất, sổ đỏ, giấy tờ xe, xác nhận số dư tài khoản chứng khoán…

THƯ GIẢI TRÌNH

Ngoài 3 mục giấy tờ trên bạn cần chuẩn bị thêm một giấy tờ khác cũng không kém phần quan trọng đối với người lao động tự do. Đó là Thư giải trình. Trong thư bạn cần trình bày những nội dung sau:

– Bạn giới thiệu bạn là ai, hiện tại bạn đang làm những công việc tự do nào, thu nhập khoảng bao nhiêu mỗi tháng? Thu nhập này bạn nhận bằng tiền mặt hay chuyển khoản? Chứng từ đâu?

– Bạn có thích đi du lịch không, đã đi được bao nhiêu nước rồi, những nước nào?

– Tại sao bạn muốn đến nước họ? Bạn dự định đi đến nước họ từ ngày nào đến ngày nào, đi những thành phố nào, đến nước họ bằng phương tiện nào, ở những khách sạn nào…?

– Bạn có ràng buộc gì ở Việt Nam (gia đình, bố mẹ già, nhà cửa …) để sau khi kết thúc chuyến đi bạn sẽ quay trở về Việt Nam chứ không trốn lại nước họ?

– Phần cuối thư bạn trình bày mong muốn được ĐSQ/LSQ cấp visa cho bạn để bạn thực hiện được ước mơ 1 lần đến tham quan đất nước xinh đẹp của họ. Và bạn hứa sẽ tuân thủ mọi luật lệ nước họ đề ra cũng như các quy dịnh về visa và xuất nhập cảnh.

Thư giải trình này không có mẫu chung bởi mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Các bạn phải tự viết nó ra. Nếu các bạn không viết được bằng tiếng Anh thì hãy viết nó bằng tiếng Việt rồi ra dịch vụ người ta dịch ra tiếng Anh cho bạn. Mình sẽ không chia sẻ với các bạn thư mình đã từng nộp. Các bạn làm ơn đừng hỏi mình nhé!

Trên đây là những kinh nghiệm xin visa của mình. Những gì mình biết thì mình đã chia sẻ với các bạn rồi. Vì thế các bạn hãy đọc kỹ bài viết trước khi đặt câu hỏi. Chia sẻ này chỉ mang tính chất tham khảo. Các bạn cần phải đọc kỹ tất cả những yêu cầu mà ĐSQ/LSQ nước bạn muốn xin visa đặt ra.

 

Leave a Reply

Note: Comments on the web site reflect the views of their authors, and not necessarily the views of the bookyourtravel internet portal. Requested to refrain from insults, swearing and vulgar expression. We reserve the right to delete any comment without notice explanations.

Your email address will not be published. Required fields are signed with *

*
*